Chương 193: Chém!

27/04/2025 10 8.0
Chương 190: Chém!

Cả đêm qua Lý Thối không sao ngủ được, cứ lật qua lật lại mắt vẫn cứ tỉnh như sáo. Trong lòng nhiều mối ngổn ngang, thức hải lắm điều lo nghĩ.

Hết nằm trong buồng lại bò ra vườn sau h·út t·huốc rê (1) liền thấy Trình Hiền cũng đang an tĩnh ngồi ven mép nước.

Thế là đôi bạn già chong đèn nói chuyện đến hẳn khi trời sáng không mệt mỏi chút nào, ở cái tuổi này của mấy lão thức đêm được như thế cũng là quái lạ.

Đến giữa giờ mão (6h sáng) Lê Lễ cho xe ngựa của Quốc học lọc cọc đến đón, bầu trời âm u đầu đông cũng không thể ngăn cản mấy lão già bừng bừng khí thế ăn mặc nghiêm cẩn, đai lưng gọn gàng ngồi xe xuống huyện Lôi Dương.

Từ Kiến Xương xuống huyện lỵ Lôi Dương, ánh mắt bọn lão sáng rực nhìn từng bông lúa cúi thấp đầu xuống vì những hạt lúa vàng mây mẩy.

Chỉ mấy khoảnh ruộng ven đường đã như thế này rồi, nghe đồn vụ mùa năm nay khắp lộ Thanh Hóa có hơn chục vạn mẫu ruộng thí điểm phép canh tác lúa mới thì còn đến đâu nữa.

Đi qua cánh đồng vàng óng trải dài đến tận chân trời, con tim mong manh năm sáu chục tuổi của bọn lão lại không nhịn được hơi lạc nhịp.

Nhìn độ trĩu của mấy bông lúa này nói ít cũng phải thu hoạch được hơn ngàn cân mỗi mẫu. Trừ đi thuế ruộng 15% (2) số còn lại hẳn là đủ cho nông dân dùng vào rất nhiều việc.

Lương thực nhiều không chỉ có nghĩa là sinh dân được điền đầy cái bụng, nó còn có nghĩa là người nông dân sẽ có thời gian rảnh để làm nhiều chuyện khác gia tăng thu nhập, còn có nghĩa là dân chúng có thể dễ dàng tha thứ một lao động hạng hai trong nhà lên lớp đi học nửa ngày và hàng vạn thứ khác.

Nghĩ đến cảnh lớp học ở mỗi thôn làng sẽ có thêm dăm ba đứa trẻ được phép mon men đến học chữ, lão Lý, lão Trình lại hưng phấn đến run cả người.

Kể cả không phải đứa nào cũng có thể trở thành ông đồ, ông cử nhưng cứ nghĩ mà xem, ngay cả tên nông dân được học hành đàng hoàng cũng có nhiều cơ hội để triển khai ý tưởng manh nha trong đầu hơn một kẻ mù chữ.

Một tên hai tên có thể không có ý nghĩa gì mấy, nhưng như thằng ranh con Lê Ý đã nói “biến đổi về lượng dẫn đến biến đổi về chất”. Hằng trăm hằng ngàn tên nông dân biết chữ hẳn là sẽ có cơ may nào đó đản sinh ra một số ý tưởng thú vị nào đó.

Trong hằng trăm hằng ngàn ý tưởng thú vị đó hẳn là sẽ lại có cơ may nào đó đản sinh ra một phát kiến thực sự có lợi cho sự hưng vượng của thiên hạ.

Rồi sự hưng vượng của thiên hạ lại quay lại đầu tư cho giáo dục, cứ như thế lặp lại, đó chẳng phải là một loại guồng quay lành tính mà có lợi cho đất nước vạn vạn đại sao?

Đã mấy tháng nay, mỗi buổi sáng lão Lý đều đánh dấu từng ngày một đến mùa thu hoạch, để tận mắt nhìn thấy bước chuyển mình lớn lao của cả quốc gia.

Chỉ có bầu không khí thanh lương buổi sáng sớm mới đủ để làm dịu tâm trạng đang ngập tràn trong phấn khích của lão.

Đầu giờ thìn xe ngựa của mấy lão già vội vàng đến huyện lỵ Lôi Dương đã thấy chư vị đại quan trên từ Hành khiển, Tham tri bạ tịch, dưới đến Trấn Phủ sứ, An Phủ sứ công phục xanh đỏ ngồi kín cả đại đường.

Đoàn Quốc học bốn năm người vừa nhìn một vòng thấy đội hình như thế cùng thầm than triều đình trọng thị, đặc biệt là vị ngồi trên chủ vị kia.

Trình Hiền, Lý Thối liền chắp tay vái.

- Hiền (Thối) ra mắt Nhập nội Đô đốc đại nhân!

Lê Khuyển ngồi trên chủ vị nhắm mắt dưỡng thần, lần này lão trở về Tây Giai là để đốc thúc trấn quân hành quân vào nam thì bị lâm thời bị chinh chiêu đi làm lễ tế Thần Tiên Nông.

Mả mẹ nó! Loại chuyện lông gà vỏ tỏi này kiểu quái gì lại rơi xuống đầu lão. Đã sẵn tầm tình không tốt, lão thỏ đế b·ị đ·ánh thức liền cực kỳ biếng nhác, còn chưa mở mắt đã xua tay nói.
- Chư vị tiên sinh vất vả rồi! Không cần lễ tiết rườm rà như thế!

Từ sau lưng bọn Trình Hiền, Lý Thối có người âm dương quái khí nói mỉa.

- Há há … Nhập nội Đô đốc đại nhân đúng là oai phong. Ngay cả lão già ta cũng không thèm mở mắt ra nhìn một cái là chó hay người!

Lê Khuyển nghe thấy giọng quen quen liền bật dậy, đập vào mắt là Lê Lễ một thân nhị phẩm công phục màu đỏ chót, cười như không cười nhìn lão.

Tỉnh cả người bật dậy, Lê Khuyển xun xoe cười bồi nói.

- Anh Lễ nói chi vậy! Để chuyện này bay về Đông Kinh thằng em sao gánh nổi! Đây, chủ vị ở đây anh cứ tới ngồi! Hề hề …

Lê Lễ phì cười, nguýt hắn một cái nói.

- Chủ vị thì không cần! Mọi người cũng gần như đông đủ cả rồi, tranh thủ thời gian làm lễ đi.

Lê Khuyển như được đại xá, quay lại văn án cầm lấy triều vật dẫn đầu bước ra khỏi đại đường. Lão thân mặc công phục màu tía láng mịn đến sắp phát sáng, đầu đội phốc đầu màu đen có cánh chuồn, sáng vẻ bệ vệ mà lẫm liệt, oai phong mà nghiêm nghị, trông rất có khí khái trọng thần triều đình, đâu còn chút bóng dáng nào của con thỏ khôn trứ danh, chúa tể cẩu đạo Lê Khuyển.

Lê Lễ nghênh ngang theo sau, lão Trình cùng lão Lý ngó nghiêng một lát, chọn lấy một vị trí ngay phía sau Hải Tây đạo hành khiển Lê văn An cùng Hải Tây tham tri bạ tịch Nguyễn Cảnh Thọ cũng rảo bước theo hầu.

Giờ tỵ vừa đến, đám quan viên cuối cùng cũng rồng rắn một đoàn kéo đến bờ ruộng, ngay bên cạnh khoanh ruộng tốt được chọn lựa kỹ lưỡng từ trước có đắp một thần đàn cao bảy thước (2,8m) rộng ba trượng (12 m) bốn chung quanh đắp tường đất trông cực kỳ hoành tráng.

Trên đàn đặt hai cái chiếu, một cái làm vị thượng hương (nơi thắp hương) một chiếu làm vị bái (nơi cúng bái).

Hai bên vị thượng hương lại đặt hai cái án, đặt hộp hương ở án bên tây, lư hương ở án bên đông.

Phía đông vị bái lại đặt một quán tẩy (đồ đồng đựng nước rửa tay).

Bước lên đến thần đàn đã thấy nhạc quan bày nhạc khí ở phía đông thần đàn, trống keo, dàn khánh, dàn chuông, cầm, sắt, sênh, quản thược, chúc, ngữ, huân, trì (3) v.v. không thiếu món nào, quy cách không thể không khen là đầy đủ.

Thầm khen một tiếng, lão Trình theo chân các quan đứng chờ ở đàn sớ.

Lê Khuyển thì nghiêm trang tiến vào vị bái, dập đầu lạy bốn lạy, phối hợp với lễ quan làm bảy bảy bốn chín tiểu lễ (mọi ng có thể tìm đọc Lịch triều Hiến chương loại chí nếu muốn biết nghi lễ hoàn chỉnh trông như thế nào) xong mới có tên nội thị ở bên cạnh kính cẩn dâng tờ chúc (tờ giấy viết văn khấn) vàng chóe của Hoàng Đế lên.

Các quan đều quỳ, Lê Khuyển mới trầm giọng đọc.

"Tiên nông ở trên! Thân hèn cúi nghĩ! Ngôi trời thiên liêng, riêng có ngài là xót thương con đỏ. Công tích vĩ đại, mở ra sự nghiệp nông canh... "

Tóm lại là nhờ có công ơn Thần Tiên Nông phù hộ, cuộc sống no ấm đủ đầy của dân chúng đều phải nhờ vào mưa móc của Thần Tiên Nông. Vuốt đuôi thần chỉ một lúc rồi mới báo cáo có phương thức canh nông mới, nối tiếp ân trạch của Thần Tiên Nông. Cuối cùng xin Thần Tiên Nông đại thần có đại lượng, không vì con cháu bỏ phép cũ mà giận dỗi, mong tiếp tục nhận được mưa móc của Thần Tiên Nông khiến cho mưa thuận gió hòa, mùa mùa bội thu … đại khái là thế.

Cuối cùng, tên lễ quan xướng.

- Phủng bạch chúc các tựu liệu sở (đem lụa và tờ chúc đến nơi đốt)!

Liền có mấy tên lễ quan khác mượn thế lửa, đem tờ chúc cùng mấy chục cuốn lụa "chuyển phát nhanh" cho thần chỉ lão nhân gia ông ta xem xét.
Không biết Thần Tiên Nông có nhận được không, lão Lý lẫn lão Trình liếc nhau cười trừ, chưa kịp nói gì thì Hải Tây Hành khiển Lê văn An nhìn thấy, hắng giọng một cái.

Hai lão già mà không nên nết chỉ có thể cụp đầu im miệng.

Lụa cùng tờ chúc vừa đốt xong, tên lễ quan mới xướng lớn.

- Lễ tất!

Tất cả mọi người không hẹn cùng thở dài một hơi.

Lê Khuyển bước xuống thần đàn, phóng mắt nhìn xuống ruộng lúa vàng ươm, mắt không chớp lấy một cái.

Đây mới là thứ có thể hấp dẫn được phường hiệt kiệt trong làng cẩu đạo như lão.

Từng bông lúa mập mạp mây mẩy đu đưa theo gió, một phần trong số này sẽ là quân lương, hơn hai vạn nhân mã của lão trong Thuận Hóa có thỏa mái đánh thắng trận chiến sang năm hay không một phần không nhỏ nằm ở chỗ lương tiền này.

Hít một hơi thật sâu cảm nhận từng tia mùi thơm của lúa mới len lỏi qua từng đường tơ kẽ thịt khắp cơ thể, Lê Khuyển xua tay ra lệnh cho mấy trăm tên thân binh tay liềm tay hái tràn xuống ruộng lúa đã sớm bị tháo nước từ trước, kẻ nào kẻ nấy tay chân nhanh thoăn thoắt thu gặt từng giạ lúa đã chín vàng.

Theo từng giạ lúa bị đem lên bờ đập lấy hạt ngay tại chỗ, ánh mắt của mọi người trở nên càng ngày càng ngưng trọng.

Cân ngay tại ruộng, khoảnh ruộng đầu tiên rộng khoảng ba mẫu cho sản lượng từ mười lăm đến mười sáu tạ mỗi mẫu, trừ đi khấu hao khi phơi khô sẽ mất độ hơn một phần mười một chút, số thu lại được nói ít cũng phải tầm mười ba tạ rưỡi đến mười bốn tạ rưỡi mỗi mẫu.

Đây là một khoảnh ruộng thường được chọn lựa kỹ lưỡng để lấy làm tiêu chuẩn, tuyệt không phải ruộng tốt để khai khống thành quả.

Ước tính ban đầu của gia chủ chỉ tầm mười hai đến mười ba tạ mà thôi, xem ra sản lượng ước tính báo về Đông Kinh đã bị cố tình ép xuống.

Lê Khuyển gật nhẹ đầu tỏ vẻ hài lòng, bọn Lê văn An, Nguyễn Cảnh Thọ ngồi bệt xuống đất, từ trong mắt nhau đều nhìn thấy vẻ mừng.

Có chứng tích này, quan lộ của hai lão già bọn hắn coi như đã vạn lần suôn sẻ.

Lê Lễ đứng đó khi khóc khi cười, là công thần từ những ngày tháng Lam Sơn khốn khó đến nay, hơn ai hết lão hiểu cái cảm giác ăn măng trúc đánh trận nó bi ai cỡ nào.

Lão nửa mặt lên trời khóc lóc nói.

- Gia chủ, người có thấy gì không! Có điềm lành đến mức này trường thịnh ngàn năm không ngã đâu còn là chuyện viển vông nữa!

Nói rồi giật lấy một cái liềm từ tay tên thân binh của Lê Khuyển, mặc kệ một thân công phục bằng lụa bị lấm lem nhảy xuống ruộng cạn gặt lúa.

Hai tay ôm hai giạ lúa nặng trĩu lội lên bờ, gương mặt lão vui vẻ như trẻ con được quà. Đoạn như nghĩ đến cái gì, từ vui chuyển nộ, hai mắt hung lệ rút kiếm ra chỉ vào cả đám quan viên khàn giọng lẩm bẩm.

- Truyền lời ta về Đông Kinh ... điềm lành do thiếu chủ ta cùng tông tộc họ Lê đổ tiền muôn bạc biển ra dốc sức nghiên cứu mà có. Kẻ nào tự nhận không phải con dân họ Lê mà dám dính chàm - chém!
Nói rồi vung kiếm chém hương án bên bờ ruộng ra làm đôi.

Chú thích:

(1) Theo Lê Quý Đôn thì thuốc lào du nhập vào nước ta từ những năm Vĩnh Thọ (1658-1662) đời Lê Thần Tông, tuy nhiên, dựa vào bài “Cái xe điếu” của Lê Thánh Tông tác có căn cứ để phán rằng thuốc lào đã có mặt từ trước thời Vĩnh Thọ rất rất xa.

“Vốn ở lâu đài đã bấy nay

Khi lên dễ khiến thế gian say.

Lưng in chính trực mười phân thẳng

Dạ vẫn hư linh một tiết ngay.

Động sóng, tuôn mây khi chán miệng

Nghiêng trời, lệch đất thuở buông tay.

Dưới từ nội lục trên đền đỏ

Ai chẳng quen hơi mến đức này.”

(2) Thuế ruộng ở đây tác chiếu theo mức thuế thu của Nhà Minh sơ kỳ, nhà Hồ cùng nhà Lê Trung Hưng mà phịa số.

Theo đó thuế ruộng nhà Minh từ thời Minh Thái Tổ quy định là 5 thăng/ mẫu, nghĩa là khoảng 1/10 thua hoạch, riêng vùng Thái Hồ thu 2/10.

Lại lấy quy định của nhà Trần cùng nhà Hồ thời Hán Thương mà xét. Dưới thời Trần mỗi mẫu ruộng thu 3 thăng/ mẫu, đến thời Hồ Hán Thương thì thu thuế 5 thăng/ mẫu. Từ số thuế này tác có căn cứ để VÕ ĐOÁN rằng thời Trần, Hồ sử dụng hệ đo lường trung hoa, diện tích mỗi mẫu chỉ là 612-666 m2 chứ chưa áp dụng hệ đo lường riêng như sau này.

Song song với đó, mức thuế ruộng của nhà Hồ áp dụng có lẽ cũng chỉ loanh quanh mức 10-20% - tương đương với nhà Minh.

Đến thời Lê Trung Hưng, chúa Trịnh Căn thiết đặt thuế ruộng ở mức 8 tiền (480 đồng)/ mẫu. So với vật giá đương thời, số tiền này đủ để mua khoảng 90 cân gạo = 150-180 cân thóc = 27,-32,6 thăng thóc.

Nếu như nhà Hồ và nhà Lê Trung Hưng dùng chung một hệ đo lường thì con số thuế thời Lê Trung Hưng gấp 5-6 lần thời Hồ Hán Thương, gấp 8-11 lần thuế thời Trần rõ ràng là vô lý.

Cách giải thích duy nhất là thời Lê Trung Hưng cũng đã áp dụng hệ đo lường riêng, chưa biết cụ thể là bao nhiêu nhưng chắc chắn là mỗi mẫu thời lê Trung Hưng ít nhất cũng rộng gấp 3-6 lần mẫu thời Trần - Hồ.

Căn cứ vào thuế ruộng các thời đại trước và sau thời Lê Sơ mà xét, tác mạnh dạn PHỊA ra con số thuế ruộng thời Lê Sơ vào khoảng 10-20%.

(3) Là các món nhạc khí trong Nhã nhạc mà Lương Đăng cùng Nguyễn Trãi liên danh định chế.

Trong đó Cầm, Sắt là các loại đàn.

Sênh, Quản thược là các loại sáo.

Chúc làm bằng gỗ, hình vuông, cao 1 thước 3 tấc, giữa lồi lên như cái trống đánh.

Ngữ làm bằng gỗ, hình con hổ nằm lưng có 27 răng cưa bằng đồng, lấy gỗ cọ vào thành tiếng.

Huân làm bằng đất nung hình như quả trứng, có lỗ để thổi.

Trì làm bằng trúc, có lỗ để thổi.
8.0
Tiến độ: 100% 202/202 chương
Tình trạng
Đã hoàn thành
Quốc gia
Unknown
Ngày đăng
27/04/2025