Chương 203: Khiêu Vũ Với Tử Thần

27/04/2025 10 8.0
Chương 200: Khiêu Vũ Với Tử Thần

Nhìn từng bao từng bao lúa nặng trình trịch được đám nội thị chất thành một đống lớn trước sân Đan Trì, Nguyễn thị Anh giọng hơi run rẩy hỏi Trịnh Khả ngay bên cạnh.

- Bình chương sự đại nhân! Đây thực sự là số lúa thu được từ ba mẫu ruộng sao?

Trịnh Khả lúc này cũng c·hết lặng, mở to mắt nhìn đống lúa khô trước mặt, Nguyễn thị Anh hỏi đến lần thứ hai mới bừng tỉnh, chắp tay vái nói.

- Hồi Thái Hậu, ruộng nhà thần ở huyện Lôi Dương có hơn chín trăm sáu mươi mẫu, tháng năm năm nay ở Cẩm Giang sai người về phổ biến kỹ thuật canh tác mới, thần liền để chúng chia ruộng thành khoảnh làm thí điểm, trong đó ở gần huyện nha có khoảng hơn ba mươi mẫu, chia làm mười hai khoảnh, mỗi khoảnh độ non ba mẫu!

Nói rồi không chờ Thái Hậu phản ứng, lão chạy đến bên đống bao bố chất đầy, dùng tay không xé rách một cái bao bố đổ toàn bộ lúa ra sân Đan Trì.

Lúa hạt nào hạt nấy đầy mây mẩy.

“Đúng là lúa tốt!”

Tay lão run rẩy bốc một vốc lúa lên niết niết đã thấy mấy hạt gạo lứt nguyên cám bị tách ra khỏi vỏ trấu, bỏ lên miệng nhai thấy vị bùi có hậu chát nhẹ.

“Hương vị không tệ!”

Lão lại xé thêm mấy cái bao nữa, lần lượt xác nhận chất lượng đồng nhất mới ngửa mặt lên trời cười ha hả.

- Thiên hữu Đại Việt ta! … Thiên hữu Đại Việt ta á! … Ha ha ha …

Nhìn trung niên bốn năm chục tuổi khi khóc khi cười giữa sân, Thái Hậu biết rõ đây đúng là đáp án mà mình hằng chờ mong.

Niềm vui này sao mà lớn lao, công tích này sao mà vĩ đại.

Càng nghĩ càng kích động, Nguyễn thị Anh hơi chếnh choáng, mất thăng bằng ngã ra đàng sau, Đào Biểu nhanh tay đỡ lấy lưng chủ tử nhà mình. Đảo mắt một vòng chung quanh, hơn trăm vị quan to quan nhỏ đang châu đầu chăm chú vào đống lúa trước sân, không ai để ý đến thất thố của Thái Hậu.

Đào Biểu thở dài, quả thực không thể trách chủ tử nhà hắn yếu chân.

Từ những năm Triệu Khánh (1370-1372) nhà Trần đến khi Thái Tổ họ Lê đuổi quân Ngô về nước, Đại Việt trải qua năm sáu mươi năm chiến loạn liên miên, hao hết nguyên khí của quốc gia.

Dân số giảm từ hơn sáu trăm vạn người cuối thời Trần chỉ còn độ trên bốn trăm vạn vào thời điểm người Ngô về nước.

Từ năm Thuận Thiên thứ nhất (1428) đến năm Thiệu Bình thứ sáu (1439) hơn mười năm, trải qua hai đời vua. Lê Lợi, Lê Nguyên Long dẫu bình được loạn trong, định được họa ngoài nhưng ruộng đồng quá hoang tàn, kinh kỳ quá đổ nát.

Dẫu vua quan ra sức vun đắp cho cái quốc gia này nhưng nền móng của nó đã yếu ớt mong manh, trong thời gian ngắn cũng không thay đổi được sự thực quốc gia quá nghèo khó.

Mãi đến những năm Đại Bảo (1440-1442) gần đây kinh tế mới có chút khởi sắc, những tưởng một hồi thái bình thịnh thế đang đến, ai ngờ vua đương tuổi sung sức lại băng ở vườn vải, thế là cung đình lại được một phen gà bay chó chạy, đầu người cuồn cuộn không biết ai với ai.
Thái Hậu ngự trên ngai cao dĩ nhiên áp lực phải gánh chịu cũng không phải là thấp.

Quan gia tuổi nhỏ, Thánh Từ buông rèm nghe chính sự, đây là chỗ yếu.

Từ đầu năm đến nay hết cái gì mà “gà mái gáy sớm” hạo thiên phẫn nộ giáng t·hiên t·ai” đến “Thần phi có mang trước khi vào cung” các thứ.

Những thứ khác miễn cưỡng có thể nghe lọt đi, “Thần phi có mang trước khi vào cung” là lý làm sao?

Nghĩ đến lời đồn Quan gia không phải thân sinh của Tiên Đế, trong lòng Đào Biểu lại ngùn ngụt lửa giận.

Những kẻ tung tin đó là ngu sao? Hay chúng cho rằng cả thiên hạ đều là lũ ngu?

Phải biết Lê Bang Cơ chính là Thái Tử, là con dòng đích (1).

Triều đình Đông Kinh ngày nay thiết đặt theo lệ nhà Trần, hậu cung cao quý nhất là Hoàng Hậu, không có Hậu thì đến Nguyên Phi, không có Nguyên Phi thì lấy Thần Phi làm chủ.

Thử hỏi cả triều đình Đông Kinh, trên từ Lê Nguyên Long, dưới đến huân cựu đại thần đều là một lũ ngu cả hay sao mà để một người đàn bà đã có chửa ngồi lên vị trí chủ trì hậu cung?

Hậu cung chi chủ, đâu phải vua vuốt trán một cái là được?

Lại nói, kể cả - bằng một cách thần kỳ nào đó - Nguyễn thị Anh được vua yêu đến mức chấp nhận cả đứa con hoang trong bụng mà lập làm chủ hậu cung, thì thiểu năng đến mức nào mới sách lập một đứa con hoang làm Hoàng Thái tử?

Tuy nhiên, chính trị mà, vô lý đến đâu không quan trọng, quan trọng là những lời báng bổ ấy đã cho những kẻ cơ hội khắp Đại Việt này một cái cớ, dù nhỏ, để tìm cách đá mẹ con Thái Hậu (hoặc ít nhất là Thái Hậu) xuống đài.

Về phần đám dân đen, xưa nay chỉ hận ngày ngày không có quái sự mà hít, nào đâu biết dùng cái đầu trên cổ suy xét đúng sai. Cứ thấy thú vị là chúng thêm mắm dặm muối đem đi buôn khắp hang cùng ngõ hẻm.

Vô tình hay hữu ý, những tin đồn về Thái Hậu và Quan gia càng ngày càng nhiều, càng ngày càng quá đáng, mãi cho đến lúc Đại Tông chính đại nhân đem cái tin tức chấn thiên động địa kia về Đông Kinh.

Tin tức về điềm lành, về phép canh tác mới cho phép thu hoạch lượng lúa nhiều hơn năm sáu phần mười so với canh tác truyền thống không thể nghi ngờ là một món lễ lớn của Tông tộc họ Lê, của Tiên Đế để dành cho mẹ con bà Thái Hậu.

Đến hôm nay tin tức ấy được chứng minh cụ thể bằng hiện vật, thử hỏi lật hết sách sử Đại Việt có triều đại nào đạt được sản lượng lúa gạo như thế?

Phép canh tác mới được chứng minh là thành công chẳng những có thể giải quyết được vấn đề lương thực cho quốc gia, về mặt chính trị càng là một thanh lợi kiếm trong tay Hoàng Đế … à nhầm, Hoàng Đế còn nhỏ, phải là trong tay Thái hậu mới đúng.

Mượn danh điềm lành xuất thế, Thái Hậu có thể thẳng tay chém bay đầu bất cứ kẻ nào còn dám xì xào lung tung.

Kẻ nào đứng ra công khai bôi xấu Thái Hậu cùng Quan gia chính là chống lại ý chí của Hạo Thiên, là khiêu vũ với tử thần!
Nguyễn thị Anh lấy lại thăng bằng, khí thế bừng bừng trở vào cung Vĩnh Ninh, trong lòng bàn tay ôm khư khư một gói lụa mà tên nội thị vừa dâng lên ban nãy, trong đó gói một nhúm gạo lứt.

Lén lút giữ lại được một chút như thế thôi, số còn lại sẽ đem vào Thái Miếu làm lễ tế tổ tiên, cảm tạ tiên khảo Lê thị phù hộ con cháu.

Đi vài bước lại nhặt lên vài hạt bỏ vào miệng phẩm vị, loại hương vị hơi chan chát của thứ gạo xấu này bình thường Nguyễn thị Anh sẽ không bao giờ đụng tới, chả hiểu vì sao hôm nay lại cảm thấy ngọt lành đến lạ.

Mỗi một hạt gạo vào trong miệng đều đem đến cho Nguyễn thị Anh một loại hạnh phúc không tên.

Đại Việt phúc trạch sâu dày, Lê thị ân đức quảng đại, ngay cả phép trồng lúa mười bốn mười lăm tạ lúa khô một vụ cũng có, trên đời này lại còn loại khó khăn nào không thể san bằng cơ chứ?

Đại Việt năng thần như mây, duệ tốt như mưa, nay lại có điềm lành cỡ này, chỉ cần ngày sau Bang Cơ không phải là một quân chủ ngu xuẩn thì lo gì không thành đại nghiệp?

Sợ gì không thể sánh vai tiên hiền gần năm trăm năm qua lao khổ dựng nước?

Nguyễn thị Anh đang chìm đắm trong ôn nhu hạnh phúc vô biên, không nhìn thấy Nguyễn Cung đã theo chân Đào Biểu đi đến trước mặt tự khi nào.

Tên hoạn quan này rất có kiên nhẫn, đưa tay ngăn Đào Biểu đang định cất tiếng lên gọi.

Nguyễn thị Anh năm nay mới đôi mươi, tính ra chỉ là tuổi con tuổi cháu hắn, thế nhưng thời gian gần đây ở người đàn bà này hắn ngửi thấy hương vị thân quen, hương vị của mấy lão già c·hết tiệt trên triều.

Loại hương vị này hoặc là Thái Hậu sắp bị áp lực trên sập vàng đè c·hết, chỉ muốn gắng gượng đến khi tín niệm nào đó chèo kéo sinh mạng hoàn thành là sẽ c·hết. Hoặc là Thái Hậu sắp thuế biến thành một loại quái vật âm u như mấy lão già Lê văn Linh, Bùi Quốc Hưng, Nguyễn Lý.

Trộm thở một hơi, Nguyễn Cung thực sự không đành lòng nhìn nàng diễn tiến theo bất cứ trường hợp nào.

Loại thứ nhất, xuống suối vàng hắn không có mặt mũi nào giải trình với chủ tử nhà mình vì sao chủ mẫu lại đến nước đó.

Loại thứ hai càng đáng sợ, trở thành loại người đó khi còn quá trẻ rất dễ diễn tiến thành cực đoan, đến nước đó không có lợi gì cho tất cả mọi người - bao gồm cả tiểu chủ tử ba tuổi nhà hắn.

Nguyễn thị Anh nghe thấy tiếng thở dài của Nguyễn Cung liền choàng tỉnh khỏi luồng ôn uyển hiếm hoi, lần nữa trở lại dáng vẻ mẫu nghi thiên hạ cao cao tại thượng, lạnh nhạt hỏi dò.

- Có tin tức gì mới à?

Đối với tên trung bộc này, Nguyễn thị Anh vẫn coi là chỗ tin cẩn hạng nhất.

Không tin không được, chỉ vì một đạo khẩu dụ của Tiên Đế mà đường đường là Chưởng vệ sứ - kẻ đứng đầu Nhập nội Kiểm sát chỉ huy sứ ty - bốn năm năm lầm lũi ở Cẩm Giang trồng lúa, ngay cả chủ tử c·hết cũng không từ bỏ, thề hoàn thành nhiệm vụ mới thôi.

Nguyễn Cung cực kỳ nghiêm cẩn vái lạy rồi nói.

- Bẩm chủ mẫu! Có một ít chuyện, không coi là đại sự gì lắm! Người của ta ở Hưng Hóa báo về, những ngày qua Cầm Sương cùng Đèo Mạnh Vượng vãng lai ngày càng ít. Xem ra thiệt hại to lớn của quân Thái Trắng ngoài lũy Mường La khiến chút tin tưởng mong manh giữa hai kẻ này gần như mẫn diệt!

Nguyễn thị Anh trầm tư một lúc, dường như đã có chủ ý, chỉ là lại hỏi Nguyễn Cung.
- Mi cho rằng tiếp theo chúng ta nên hành động như thế nào?

Nguyễn Cung móc từ trong người ra một cuốn lụa, nói.

- Lão nô ngu muội, sao dám vọng bàn quốc sự, ở đây có thư của Trấn Man Tướng quân (Lê Ê) gửi về triều, ngài ấy nói: Hiện tại chúng ta nên hoạch định sẵn hai kế hoạch ứng đối. Giả như bọn chúng thực sự trở mặt thành thù, thế cuộc này chính là điều chúng ta mong muốn. Triều đình không nên gây quá nhiều sức ép, nếu ta nóng lòng cầu thành chỉ sợ người Thái Trắng cùng người Thái Đen sẽ lần nữa bỏ qua hiềm khích mà liên thủ chống đối. Ngược lại ...

- Ngược lại thì thế nào?

-Ngược lại, nếu bọn chúng không chịu quyết liệt với nhau, chúng ta không ngại xúc xiểng một chút, vận dụng một số Thái gian đã cài cắm từ trước ở Mường Thanh lẫn Mường Lễ khích cho chúng tranh đấu với nhau tới c·hết.

Hai phương hướng xử lý này nói thẳng ra đều là thuận nước đẩy thuyền, xây dựng trên cơ sở lòng tin chính trị mong manh giữa người Thái Đen với người Thái Trắng. Sự tham gia của triều đình vào cả hai kế hoạch này đều tương đối hạn chế.

Duy chỉ có kế hoạch thứ hai là sử dụng Thái gian châm lửa thổi gió mà thôi!

Nguyễn thị Anh biết đây cũng là ý Nguyễn Cung, liền nghe lời phải mà dẹp cái ý tưởng chưa hoàn thiện trong đầu đi, xua tay nói.

- Thuận tay dắt dê mà thôi, dù là tình thế như thế nào triều đình cũng đứng ở thế bất bại. Việc cứ làm như thế đi!

- Vâng, chủ mẫu!

Nguyễn Cung cung kính chắp tay lui ra ngoài.

Thực ra có một điều hắn chưa nói với chủ mẫu nhà mình, đúng là bất kể thế cục diễn tiến như thế nào triều đình cũng sẽ không thua, vậy nhưng kết quả thu được thì khác nhau một trời một vực.

Được như trường hợp thứ nhất là tốt nhất, hai bên trở mặt thành thù, lẫn nhau chém g·iết, triều đình không tốn một cây đinh mà thành công khiến người Thái lao vào tàn sát lẫn nhau.

Ngược lại, nếu hai thằng mán mọi đó không chịu lao vào cắn nhau Nhập nội Kiểm sát ty sẽ phải sử dụng lực lượng vốn không lấy gì làm hùng hậu của mình động tay động chân.

Gián điệp mà, mỗi một lần hành động đều là một lần khiêu vũ với tử thần.

“Haiz … không biết bao nhiêu chó con đáng yêu của cha gia sẽ phải bỏ mạng theo cách này đây!

Chú thích:

(1) Tháng 11, ngày 16, lập Hoàng tử bang Cơ làm Hoàng Thái tử.

Xuống chiếu rằng:

"Đặt Thái tử để vững gốc rễ, lập con đích để chính danh phận. Đó là mưu xa của xã tắc, kế lớn của quốc gia. Hoàng tử Bang Cơ thể chất vàng ngọc, tư thái anh minh, vừa có uy vọng của một bậc quân vương, lại đúng danh phận là con đích tôn quý. Vậy sai Nhập nội đại đô đốc Lê Liệt mang sắc mệnh lập làm Hoàng thái tử".

-ĐVSKTT, Bản kỷ, Quyển 11, tờ 54b.-
8.0
Tiến độ: 100% 202/202 chương
Tình trạng
Đã hoàn thành
Quốc gia
Unknown
Ngày đăng
27/04/2025